Đa phần các thất bại trong kinh doanh không xảy ra một cách bất ngờ, mà thường là có nguồn gốc ngay từ lúc thành lập công ty.
Phạm Anh Tú - chuyên gia kinh tế, cho biết: “Tôi đã ở trong các cộng đồng kinh doanh đủ lâu để nhìn thấy những điều kỳ lạ. Tôi đã nhìn thấy các doanh nghiệp tốt phá sản. Tôi đã nhìn thấy những startup tưởng là làm ăn tốt nhưng lại gặp khó khăn tiền bạc. Tôi cũng thấy những công ty chẳng ai biết đến bất ngờ chiếm trọn cả thị trường. Cuộc chơi kinh doanh là rất phức tạp, dễ thay đổi và không thể đoán trước."
"Để có được một doanh nghiệp thành công, việc có một ý tưởng tốt và một nhà lãnh đạo lạc quan là chưa đủ. Hầu hết các thất bại trong kinh doanh không xảy ra một cách bất ngờ, mà thường là có nguồn gốc ngay từ lúc thành lập công ty. Vấn đề là các rủi ro đó ít khi lộ mặt ra cho đến khi mọi thứ đã quá trễ".
Dưới đây là những vấn đề báo hiệu rằng doanh nghiệp của bạn đang trên đường đi đến thất bại:
Bạn đã không thay đổi ý tưởng ban đầu của mình
Hãy suy nghĩ về ý tưởng ban đầu bạn đã lên cho doanh nghiệp của mình, cho dù đó là tuần cuối cùng hoặc là từ hai năm trước đây. Tầm nhìn của bạn khi ấy là gì? Mục tiêu chính của bạn là gì? Đối tượng bạn nhắm đến là ai? Bây giờ so sánh chúng với ý tưởng kinh doanh hiện tại của bạn và ghi chú lại tất cả những gì đã thay đổi.
Bạn có từng thay đổi sản phẩm để nhắm đến đối tượng khách hàng khác chưa? Bạn đã thêm gì mới vào để tạo nên sự khác biệt với công ty dối thủ chưa? Nếu bạn chưa từng thay đổi bất cứ một điều nào, bạn có thể nghĩ rằng đó là bằng chứng cho thấy ý tưởng của bạn thật mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thực tế đó là dấu hiệu rằng bạn không sẵn sàng để thích nghi. Không có ý tưởng nào là hoàn hảo cả, do đó, đừng ngần ngại việc cải thiện và thay đổi liên tục.
Tỷ lệ nhân viên ra vào quá cao
Có phải đội ngũ nhân viên của bạn vẫn giống hệt so với thời điểm bắt đầu? Nếu câu trả lời là "không" thì cũng không sao, đặc biệt là nếu dòng sản phẩm của bạn đã thay đổi. Thêm vào đó, khởi nghiệp bao giờ cũng là chuyện không ổn định, và đặc biệt các nhân viên trẻ có xu hướng thường xuyên nhảy việc.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy rằng nhân viên của mình luôn từ bỏ công việc sau một thời gian nhất định, đó là một dấu hiệu xấu cho tương lai của doanh nghiệp bạn. Có thể là các công việc này quá phức tạp hay đòi hỏi nhiều, không có đất cho nhân tài phát triển, cơ chế hoạt động không đáp ứng được kỳ vọng của nhân viên. Thậm chí, có thể là những nhân viên rời đi đã thấy được kết cục không hay trước cả bạn. Không gì trong số đó là tín hiệu tốt cho tương lai cho doanh nghiệp của bạn cả.
Người tiêu dùng không nói gì về công ty của bạn
Trong quá trình khởi nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung vào số lượng khách hàng mà họ có vì điều này có liên quan chặt chẽ với doanh thu và lợi nhuận. Tuy vậy, thay vì số lượng, bạn nên tập trung vào chất lượng. Hãy để ý kỹ các khách hàng bạn đang có dù ít hay nhiều và quan sát xem họ đang nói gì về công ty của bạn.
Liệu họ có tương tác với thương hiệu của bạn trên mạng xã hội? Họ có để lại góp ý cho doanh nghiệp của bạn hay không? Họ có quay trở lại mua hàng nhiều hơn không? Nếu không ai nói gì về công ty của bạn mặc dù các hoạt động vẫn đang diễn ra bình thường thì đó là một dấu hiệu xấu cho tương lai.
Bạn không thực sự biết mình đang làm những gì
Nếu bạn đã từng tham khảo ý kiến một bài báo như thế này bởi vì bạn không rõ công ty mình đang vận hành như thế nào thì đây hẳn nhiên là tin rất tệ cho bạn. Một thực tế đơn giản đó là nếu chính bạn không biết chuyện gì đang xảy ra thì có nghĩa là doanh nghiệp của bạn đang đi chệch hướng.
Với tư cách là chủ doanh nghiệp, bạn nên tổng hợp lại những thông tin cơ bản nhất về danh sách khách hàng, dòng tiền mặt, doanh thu sẵn có, chi phí điều hành của bạn và thậm chí cả các yếu tố như nhu cầu thị trường và mức độ cạnh tranh. Nếu bạn đang thực sự không biết gì về hiệu năng và tiềm năng của doanh nghiệp mình thì chắc chắn rằng công ty của bạn đang có bộ máy lãnh đạo không ổn chút nào.
Bạn chưa cải thiện được bất cứ điều gì
Liệu bạn đã thay đổi hay cải thiện được gì bất cứ thứ gì trong vài tháng qua chưa? Doanh nghiệp bạn có đưa ra cải tiến nào về dịch vụ khách hàng không? Bạn có nâng cấp hệ thống máy chủ của mình chưa? Bạn có cung cấp ra thị trường một dòng sản phẩm mới mà đối thủ cạnh tranh không thể chạy theo chưa?
Việc khởi nghiệp không tồn tại bằng cách chọn một hướng đi và theo đuổi nó một cách mù quáng; nhiều người thành công bằng cách liên tục cải thiện và thay đổi cơ sở hạ tầng, quá trình sản xuất và cách thức quản lý mối quan hệ trong suốt quá trình đó. Thị trường như cuộc sống vậy, đó là một hệ sinh thái mở; nếu như bạn không phát triển cùng với nó thì bạn chỉ có thể tụt lại phía sau mà thôi.
5 dấu hiệu kể trên hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của nhà lãnh đạo. Khi doanh nghiệp của bạn chưa rơi vào vòng xoáy suy giảm niềm tin từ người tiêu dùng và vẫn còn vốn hoạt động, có nghĩa là bạn vẫn còn thời gian để thực hiện những điều chỉnh cần thiết để đưa doanh nghiệp đi đến thành công. Hai kẻ thù lớn nhất của doanh nghiệp chính là sự cẩu thả và trì trệ. Chính vì vậy, miễn là bạn luôn nhận thức được môi trường xung quanh và tiếp tục phấn đấu tự hoàn thiện, bạn sẽ luôn có cơ hội để thành công.