Do đầu ra ổn định nên cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng ĐBSCL, giúp người dân có cuộc sống khả giả.
Hiện nay, các nhà vườn tỉnh Tiền Giang đang trồng hơn 7.000 ha cây sầu riêng thương phẩm, tập trung nhiều ở các địa phương ven sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy, Cái Bè. Ở thời điểm này, sầu riêng được đánh giá là loại trái cây cho hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại trái cây chủ lực ở địa phương, với mức giá 60.000-80.000 đồng/kg.
Với mức giá ổn định như thời gian gần đây, chỉ một công đất trồng cây sầu riêng, nhà vườn có thu nhập gần 200 triệu đồng một năm. Nhiều hộ dân vùng chuyên canh cây sầu riêng đã có nguồn thu nhập trên 1 tỷ đồng một năm.
Trái sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao là do thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Campuchia tiêu thụ mạnh. Trong khi đó, các mô hình trồng cây sầu riêng hạt thép cho năng suất và chất lượng cao.
Tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có gần 100% vườn cây đều được trồng giống sầu riêng hạt lép. Đa số nhà vườn gắn bó với loại cây đặc sản này đều có cuộc sống khá giả, chỉ còn 3% hộ nghèo do không có đất sản xuất.
Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết, giá sầu riêng hiện nay dao động trên dưới 60.000 đồng/kg, người dân có thu nhập rất cao. Trong đó có nhiều hộ có thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng, cũng có hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng. Từ vườn cây ăn trái nên đời sống người dân phát triển rất rõ rệt.